Chuyển tới nội dung

Chi bộ Lý luận chính trị đi thực tế: Về nguồn (9 - 2016)

21.09.2016

Ngày 10/9/2016, Chi bộ Lý luận chính trị tổ chức sinh hoạt chuyên đề Thực tế về nguồn. Bắc Giang được Chi bộ chọn là điểm đến của buổi sinh hoạt chuyên đề.

Là tỉnh miền núi, nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, Bắc Giang được biết đến với hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (Theo thống kê tính đến 11/2010, trên toàn tỉnh Bắc Giang có 2.237 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh).

Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc địa phận thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Đây là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII, Vĩnh Nghiêm tự là ngôi chùa lớn của phái thiền Trúc Lâm mang đậm bản sắc dân tộc và được coi là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 Chùa Vĩnh Nghiêm 

Một giá trị khác của chùa Vĩnh Nghiêm là bộ ván khắc kinh vẫn được gọi là Mộc thư cũng có niên đại tới 700 năm. Trong phiên họp chiều 16/5/2012 tại Bangkok (Thái Lan) Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chia tay với vùng đất tâm linh với những kiến trúc cổ kính và phong cảnh hữu tình, Đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về phía Tây thành phố Bắc Giang, dừng chân tại Phồn Xương - thủ phủ của cuộc khởi nghĩa nằm trong quần thể di tích lịch sử của Nghĩa quân Yên Thế. Sau khi dâng hương, theo giới thiệu và thuyết minh của cán bộ Ban quản lý Khu di tích, chúng tôi được trở về với toàn cảnh của cuộc khởi nghĩa cách đây hơn một thế kỷ chống lại thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai - Một biểu trưng rực rỡ của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

  Đồn Phồn Xương - Nơi Đề Thám và bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở để chỉ đạo đường lối chiến lược chiến thuật của nghĩa quân Yên Thế.

 Qua hướng dẫn viên đã giúp đoàn chúng tôi hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu của nghĩa quân từ những ngày đầu tiên, tới những ngày cuối cùng; hiểu về mọi mặt đời sống đương thời của nghĩa quân Yên Thế nói riêng và nhân dân Yên Thế nói chung; đồng thời,giúp chúng tôi hiểu nhiều hơn giá trị tinh thần mà cuộc khởi nghĩa đã để lại. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh lẫm liệt của Hoàng Hoa Thám cùng những dấu tích về phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế còn lưu lại đậm nét trên địa bàn huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Đó không chỉ là biểu tượng  về tinh thần yêu nước của nhân dân ta mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân Yên Thế, niềm tự hào của nhân dân Bắc Giang và niểm tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Chia tay với núi rừng Yên Thế, đoàn chúng tôi lên đường trở về Hà Nội. Chuyến đi Thực tế về nguồn đã lưu lại trong mỗi chúng tôi nhiều kỷ niệm, nhiều ký ức và nhiều thông tin bổ ích phục vụ thiết thực cho công việc giảng dạy. Trong thời gian tới, Chi bộ sẽ tổ chức nhiều  buổi sinh hoạt chuyên đề Thực tế về nguồn,  để hiểu hơn nữa về đất nước, con người Việt Nam và truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Đó là những kiến thức thực tế để chúng tôi tiếp tục “truyền lửa” cho các thế hệ sau.

Một số hình ảnh của đoàn trong chuyến Thực tế về nguồn  của Chi bộ