Chuyển tới nội dung

Chi bộ Lý luận chính trị đi thực tế: Về nguồn (7 - 2018)

28.07.2018

Ngày 24/7/ 2018, Chi bộ Lý luận chính trị tổ chức sinh hoạt chuyên đề  mở rộng Thực tế về nguồn. Buổi sinh hoạt chuyên đề này bao gồm đảng viên và giảng viên của Khoa Lý luận chính trị. Thanh Hóa  được Chi bộ chọn là điểm đến của buổi sinh hoạt chuyên đề.

Điểm đến đầu tiên của Chi Bộ là di tích lịch sử Lam Kinh, cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây, thuộc địa phận xã Xuân Lam,  huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh là quê hương của vị anh hùng dân tộc - Lê Lợi. Nơi đây ông đã dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược trong bối cảnh vô cùng khó khăn, dành lại độc lập cho đất nước (1418- 1427).

Đến Lam Kinh, nghe hướng dẫn viên giới thiệu chúng tôi được hiểu biết hơn về cuộc khởi Lam Sơn, đây là một phong trào đấu tranh mà ở đó lực lượng gia nhập cuộc khởi nghĩa có sự đa dạng về thành phần tham gia, nhưng không có những mâu thuẫn về tư tưởng, không những luồng tư tưởng thị phi, ganh ghét cũng như sự kỳ thị về thân phận hoặc sự đố kị, phân biệt về nguồn gốc xuất thân. Hiện tượng đó không chỉ là sự khẳng định một cách tuyệt đối về ý chí cứu nước, cứu dân đã thẩm thấu trong tâm trí của mọi người gia khởi nghĩa. Sự cố kết cao độ ấy cũng là hệ quả được tạo ra bởi chính tài năng và đức độ của vị anh hùng dân tộc - Lê Lợi, một con người luôn biết trọng hiền đãi sỹ, không xem thường người trên, không khinh nhờn kẻ dưới, không phân biệt sang hèn, không phân định đẳng cấp. Chính cái uy danh, trí đức, nghĩa nhân và quãng đại của Lê Lợi  là một tấm gương sáng, một biểu tượng cho xây dựng đoàn kết, cố kết cộng đồng làm nên sức mạnh phi thường của dân tộc ta trong mọi chặng đường lịch sửSau chiến thắng chống quân Minh, đất nước sạch bóng quân thù, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, chọn nơi đây làm kinh thành thứ 2 có tên gọi Lam Kinh. Đây cũng là nơi an nghỉ ngàn thu của người anh hùng dân tộc Lê Lợi và nhiều vị vua, hoàng thái hậu nhà Hậu Lê.

Lam Kinh, đó là cội nguồn vương triều Hậu Lê, triều đại phong kiến dài nhất trong lịch sử Việt Nam (1428-1789). Đó là nơi thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hướng về cội nguồn, là đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Điểm đến thứ hai là Đền Quang Trung: Nằm ven bờ biển làng Du Xuyên, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Đây là đền thờ vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Theo sử sách, sau khi quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược nước ta. Cảm tạ ân đức của vua Quang Trung, dân làng đã lập đền thờ đức Vua ở dưới chân núi Du Xuyên. Đền tuy không lớn nhưng rất linh thiêng, người dân đời đời nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Trong chuyên đi thực tế này chúng tôi được bồi đắp thêm về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của các vị anh hùng dân tộc, vì nghĩa lớn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, khởi nghĩa đánh đổi giặc ngoại xâm giành độc lập cho Tổ quốc, đặc biệt là đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đây là những bài học quý giá phục vụ việc rèn luyện lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đạo lý uống nước nhớ nguồn của mỗi chúng tôi. Đồng thời, có thêm nhiều tư liệu quý báu phục vụ cho công tác giáo đào tạo các thế hệ sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về tinh thần yêu nước, lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng và lối sống cao đẹp. 

Sau đây là một số hình ảnh của đoàn trong chuyến đi thực tế về nguồn:

 

 

 

 

Bài viết khác