Chuyển tới nội dung

Chi bộ Lý luận chính trị đi thực tế tại khu di tích lịch sử: Am Tiên và đền Bà Triệu

04.07.2022

Chi bộ Lý luận chính trị đi thực tế tại khu di tích lịch sử:

Am Tiên và đền Bà Triệu

Thực hiện Kế hoạch năm 2022 của chi bộ, ngày 03 tháng 7 năm 2022, chi bộ Lý luận chính trị phối hợp với khoa Lý luận chính trị tổ chức tham quan thực tế khu di tích lịch sử Am Tiên và đền Bà Triệu. 

Cách Hà Nội gần 200 km, khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa bao gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên được quy hoạch với tổng diện tích 100 ha. Nằm trên độ cao 538 m so với mực nước biển, khu vực núi Nưa tương truyền là một trong ba huyệt đạo linh thiêng của nước ta. Nơi đây, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược. Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền. Khí phách anh dũng, kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc của Bà Triệu đã được những người con đất Việt ngàn đời ghi nhớ và noi theo, để viết nên trang sử hào hùng của dân tộc ta! 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại đền Nưa

Chi bộ chụp ảnh lưu niệm tại đỉnh núi Nưa – một trong ba huyệt đạo linh thiêng của nước Việt

Chia tay khu di tích Am Tiên, chúng tôi tiếp tục đến với đền Bà Triệu – di tích quốc gia đặc biệt, nằm trên địa phận làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá. Đền Bà Triệu được xây dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế), nhằm tưởng nhớ đến công ơn của vị nữ anh hùng bất khuất Triệu Thị Trinh – Người đãcó công đánh đuổi quân xâm lược  Đông Ngô ( Trung Quốc) vào giữa thế kỉ III.


 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại đền BàTriệu

Kết thúc chuyến đi thực tế về nguồn đoàn chúng tôi với cảm xúc dạt dào, mỗi thành viên đều tự hào về quê hương đất nước Việt Nam, thán phục, ngưỡng mộ và biết ơn trí tuệ, lòng dũng cảm, ý chí độc lập dân tộc của bậc tiền nhân. Qua chuyến đi này, mỗi người chúng tôi xích lại gần nhau hơn, sẻ chia các cung bậc cảm xúc và cùng nhau nâng cao trách nhiệm với sự nghiệp "trồng người" để viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Bài viết khác